Chế độ thai sản của người lao động theo cập nhật mới nhất

Sinh con đẻ cái là thiên chức của người phụ nữ, cuộc sống ngày càng phát triển, những mối lo về cơm áo gạo tiền khiến người phụ nữ có thể không có những điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho sự chào đời của con mình. Do đó, pháp luật đã có những quy định về chế độ thai sản của người lao động, theo đó, sẽ có những đặc quyền dành riêng cho họ và người chồng của họ.

Anh 1.jpg

Sinh con đẻ cái là thiên chức của người phụ nữ, cuộc sống ngày càng phát triển, những mối lo về cơm áo gạo tiền khiến người phụ nữ có thể không có những điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho sự chào đời của con mình. Do đó, pháp luật đã có những quy định về chế độ thai sản của người lao động, theo đó, sẽ có những đặc quyền dành riêng cho họ và người chồng của họ. 

Để giúp quý khách hàng về chế độ thai sản mà người lao động được hưởng, VIVALAW xin giới thiệu bài viết “Chế độ thai sản của người lao động theo cập nhất mới nhất”.

I. Khái niệm cơ bản

Chế độ thai sản: Chế độ thai sản là quyền lợi mà người lao động nữ mang thai, sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng khi tham gia đủ thời gian bảo hiểm xã hội nhất định.

II. Điều kiện được hưởng chế độ thai sản

Căn cứ theo Điều 31 Luật BHXH 2014, thì điều kiện để người lao động được hưởng chế độ thai sản gồm:
STT Các trường hợp Ghi chú
1 Lao động nữ mang thai Đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
2 Lao động nữ sinh con
3 Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
4 Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
5 Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản  
6 Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con  
Lưu ý: 
  • Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.

  • Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản như những lao động khác.

III. Chế độ nghỉ thai sản của người lao động

1. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản

  • Đối với lao động nữ:

1.1. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai

Lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày.

Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. 

Lưu ý: Thời gian nghỉ này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

1.2. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa:

  • 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi.

  • 20 ngày nếu thai từ 05 - 13 tuần tuổi.

  • 40 ngày nếu thai từ 13 - 25 tuần tuổi.

  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Lưu ý: Thời gian nghỉ này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

1.3. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

Thời gian nghỉ sinh con: 06 tháng, 

Trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Lưu ý:

- Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con.

- Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết và thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng.

- Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.

- Người lao động nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH và đủ điều kiện hưởng thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

1.4. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Khi thực hiện các biện pháp tránh thai, người lao động sẽ được nghỉ:

  • 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

  • 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Lưu ý: Thời gian nghỉ này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

  • Đối với lao động nam:

1.5. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện biện pháp triệt sản

Thời gian tối đa là 15 ngày.

Lưu ý: Thời gian này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần

1.6. Thời gian hưởng chế độ khi vợ sinh con

Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

  • 05 ngày làm việc: Trường hợp thông thường.

  • 07 ngày làm việc: Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

  • 10 ngày làm việc: Vợ sinh đôi; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.

  • 14 ngày làm việc: Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Lưu ý: Thời gian nghỉ việc này không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.

2. Mức trợ cấp thai sản cho người lao động

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở. Cụ thể: Trợ cấp một lần/con = 2 x 1,49 triệu đồng = 2,96 triệu đồng.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Lưu ý: Lao động nam được hưởng trợ cấp 01 lần khi vợ sinh con nếu thuộc một trong các trường hợp:

  • Chỉ có cha tham gia BHXH: Cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

  • Người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

  • Trường hợp người mẹ tham BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con: Người cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

3. Mức hưởng chế độ thai sản

Căn cứ theo Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

  • Tiền trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con:

Mức hưởng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ x 6 tháng

Trong trường hợp lao động nữ sinh con nhưng chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.

  • Tiền trợ cấp trong các trường hợp khác:

Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 24 x Số ngày nghỉ

4. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày (Bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần)

Trong thời gian này, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức lương cơ sở.

Anh 2.jpg

IV.  Những quyền lợi mà NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi cần biết

1. Không làm đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa khi NLĐ không đồng ý

Nội dung này được quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019: “Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây: Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý”.
Theo đó, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu không đồng ý sẽ không phải làm ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa.

2. Được chuyển công việc nhẹ nhàng hơn

Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động thì lao động nữ đang làm công việc có yêu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con thì khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được bố trí công việc nhẹ nhàng, an toàn hơn, hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc mà không bị cắt giảm tiền lương.

3. Mỗi ngày được nghỉ 1 giờ hưởng nguyên lương

Để tạo điều kiện cho trong việc cho con bú, trữ sữa và nghỉ ngơi, khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động, năm 2019 quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ được phép thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí việc lịch nghỉ linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Đặc biệt, nếu không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý cho làm việc thì người lao động sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

4. Không bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động

Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đó là lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Đồng thời, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cũng ghi nhận:  Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định pháp luật.
Như vậy, doanh nghiệp không được phép chấm sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đông lao động vì lý do nuôi con nhỏ, trừ khi một số trường hợp đặc biệt như: người sử dụng lao động chết, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động,…
Nếu sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

5. Không bị xử lý kỷ luật lao động

Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động,năm 2019, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ sẽ không bị xử lý kỷ luật.
Chính vì vậy, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng mà vi phạm kỷ luật thì lao động nữ sẽ không bị xử lý. Mà phải chờ đến khi hết thời gian này, đồng thời còn thời hiệu xử lý, người sử dụng lao động mới được tiến hành xử lý kỷ luật người lao động.
Theo Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp đặc biệt là 12 tháng. Khi hết thời gian người lao động nuôi con dưới 12 tháng, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu nhưng không quá 60 ngày.

6. Được bảo đảm về công việc

Theo Điều 140 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ sau khi nghỉ thai sản và quay trở lại làm việc sẽ được bảo đảm việc làm cũ mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.
Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Đồng thời, nếu hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì lao động nữ còn được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới (khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019).

7. Hưởng chế độ ốm đau khi con ốm

Điều 141 Bộ luật Lao động, năm 2019 đã ghi nhận về quyền lợi khi người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau. Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng theo chế độ của Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Căn cứ Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi con bị bệnh nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện:
  • Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau;
  • Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. 

V. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
  • Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH.
contact.jpg

Trên đây là những nội dung bài viết của VIVALAW về “Chế độ thai sản của người lao động theo cập nhất mới nhất”. VIVALAW rất mong những thông tin này có thể giúp ích cho quý khách hàng. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào hoặc cần tư vấn chi tiết hơn, quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới. VIVALAW rất mong nhận được phản hồi của quý khách hàng.

Các bài viết liên quan

Dự án tiêu biểu của VIVALAW

l2h48ibj6nwwo55s
TinTuc
l0ta0irm8c08ovvm